ĐẶC ĐIỂM NGƯỜI BỆNH VÀ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ HO KÉO DÀI SAU COVID-19 CẤP
Phạm Minh Thư Võ,Trọng Khang Nguyễn,Việt Hưng Phan
DOI: https://doi.org/10.51298/vmj.v532i1.7279
2023-11-24
Tạp chí Y học Việt Nam
Abstract:Đặt vấn đề: Ho kéo dài sau COVID-19 cấp là một trong các triệu chứng hô hấp phổ biến gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, tâm lý của người bệnh. Mục tiêu: Nghiên cứu nhằm mô tả đặc điểm của người bệnh và đánh giá kết quả điều trị ho kéo dài sau COVID-19 cấp. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu mô tả cắt ngang tiến hành ở 203 bệnh nhân ≥ 16 tuổi có tình trạng ho kéo dài trên 4 tuần và tiền sử nhiễm COVID-19 trước đó. Bệnh nhân được ghi nhận các dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng và đánh giá kết quả sau hai tuần điều trị tại Đơn vị Hô hấp, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Kết quả: Về đặc điểm lâm sàng người bệnh, tuổi trung bình 38,39 ± 15,72, hút thuốc lá chiếm 5,91%, bệnh nền thường gặp là tăng huyết áp (26,60%), có triệu chứng ho trong giai đoạn cấp là 76,85%, thời gian âm tính hóa của xét nghiệm COVID-19 trung bình là 7,88 ± 3,445 ngày. Tính chất trong ho kéo dài sau COVID-19 cấp là ho khan chiếm 62,07%, ho trên 8 tuần chiếm 55,17%, triệu chứng kèm theo thường gặp là mệt mỏi (58,62%). Về đặc điểm cận lâm sàng, đa số người bệnh có các cận lâm sàng trong giới hạn bình thường, chưa ghi nhận có mối liên quan giữa đặc điểm hình ảnh X-quang ngực, các chỉ số bạch cầu, tỷ số NLR, PLR, LMR và chức năng thông khí phổi với thời gian ho. Điểm nổi bật có đến 20,77% người bệnh có eosinophile > 0,4 G/L và 19,44% người bệnh có nghiệm pháp hồi phục phế quản dương tính (tỷ lệ dương tính mạnh chiếm đến 16,66%). Có 85,21% người bệnh đáp ứng điều trị, cải thiện mức độ ho theo thang điểm VAS (p < 0,01). Kết luận: Ho kéo dài sau COVID-19 cấp thường gặp ở người trẻ, ít bệnh lý đồng mắc, có đặc điểm tăng bạch cầu ái toan và nghiệm pháp hồi phục phế quản dương tính. Đa số bệnh nhân đáp ứng với điều trị được đánh giá mức độ ho qua thang điểm VAS.
English Else